A. QUAN ĐIỂM TÁC GIẢ
Động lực tăng trưởng ngành năm 2025
(1) Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới duy trì ở mức thấp giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp;
(2) Các biện pháp bảo hộ và chống bán phá giá của Chính phủ Việt Nam phát huy tác dụng bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ thép nhập khẩu;
(3) Sự đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công và sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường Bất động sản dân dụng giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước;
(4) “Sức chống đỡ” của các doanh nghiệp ngành thép trước chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ;
(5) Sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp trong ngành nhờ đẩy mạnh phát triển tại thị trường nội địa.
Những doanh nghiệp có khả năng tận dụng các động lực tăng trưởng và duy trì vị thế thị trường như Hòa Phát (HPG), Nam Kim (NKG) và Hoa Sen (HSG) sẽ là các lựa chọn tiềm năng trong giai đoạn phục hồi. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh, thị phần nội địa lớn và chiến lược mở rộng xuất khẩu hiệu quả.
Ngành thép 2025 hứa hẹn mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn với điểm rơi lợi nhuận dự kiến vào cuối Q2/2025 và duy trì xu hướng tích cực trong giai đoạn 2025 - 2026.
Cấu trúc thị trường
Các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam hiện nay có thể chia thành hai nhóm là doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại.
Các doanh nghiệp sản xuất thép chia thành nhóm sản xuất và nhóm gia công sau cán. Danh sách các doanh nghiệp thép niêm yết trong nhóm này gồm có:
(1) nhóm sử dụng lò BOF gồm HPG, TIS và CBI;
(2) nhóm sử dụng lò EAF gồm VIS và POM;
(3) nhóm gia công sau cán gồm chủ yếu là các doanh nghiệp làm tôn mạ là HSG, NKG, GDA và DTL.
Các doanh nghiệp thương mại chủ yếu nhập khẩu hoặc mua các sản phẩm thép trong nước, sau đó phân phối tới khách hàng, bao gồm: SMC, TLH và TNA.
Thị trường nội địa với nhu cầu chủ yếu từ các lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng công nghiệp tiêu thụ tới 70% sản phẩm ngành thép. Xét về thị phần tiêu thụ, HPG, HSG và Formosa Hà Tĩnh lần lượt dẫn đầu về sản phẩm thép xây dựng và ống thép; tôn mạ; và thép HRC.
Các dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp gồm có HRC, tôn mạ và phôi thép tới các thị trường chính là EU, ASEAN, Mỹ và Ấn Độ.
Nguyên vật liệu đầu vào chiếm khoảng 70% - 80% giá thành sản xuất sản phẩm thép. Nguyên liệu chính gồm có quặng sắt, than cốc (chủ yếu nhập khẩu từ Australia, Trung Quốc và Brazil) và thép phế liệu (chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản).
Do vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nhập khẩu, các doanh nghiệp thép Việt Nam thường xuyên chịu áp lực tăng chi phí từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào.
Tốc độ tăng trưởng ngành
Chỉ tính riêng trong năm 2024, diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành thép có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn VN-Index. Tuy nhiên, cổ phiếu thép có sự phân hóa cao khi nhóm cổ phiếu đầu ngành (HPG, HSG, NKG) có biến động giá không thuận lợi. Ngược lại, nhóm cổ phiếu nhỏ có câu chuyện riêng như VGS, TIS (lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản, mở rộng mảng Bất động sản,…) có tỷ suất tốt hơn.
→ Hiện nay giá cổ phiếu thuộc nhóm thép đã về mức chiết khấu hợp lý, tạo đủ đà để bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới kể từ năm 2025.
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới giảm
Giá nguyên vật liệu đầu vào chính tiếp tục neo ở mức thấp trong suốt năm 2024. Nhờ đó, các doanh nghiệp thép có thể tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ để chuẩn bị cho một chu kỳ mới của toàn ngành. Cụ thể như sau:
(1) Giá than luyện cốc đã giảm 50% YoY, còn 146 USD/tấn do tình trạng dư thừa nguồn cung thép tại Trung Quốc khiến nhu cầu nguyên liệu đầu vào suy giảm, nguồn cung than tăng tại Australia, và chính sách điều tiết giá than của Trung Quốc.
(2) Giá quặng sắt cũng đã giảm 23% YoY, còn 95 USD/tấn do các nhà khai thác quặng sắt lớn như Vale (Brazil), Rio Tinto (Australia) gia tăng sản lượng khai thác.
Đội ngũ phân tích dự đoán giá than cốc và quặng sắt sẽ tiếp tục neo ở mặt bằng thấp trong năm 2025, có thể đạt lần lượt 140 USD/tấn (-4% YoY) và 90 USD/tấn (-5% YoY) với kỳ vọng tăng nguồn cung xuất khẩu tại Australia và nhu cầu sản xuất thép tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong năm 2025. → Biên lợi nhuận ngành gia tăng nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức thấp.
Nhu cầu thép trên thế giới không có tăng trưởng đột biến
Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn địa chính trị, căng thẳng thương mại khiến hoạt động sản xuất tiếp tục suy yếu, sức mua suy giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Do đó, dự kiến nhu cầu tiêu thụ thép năm 2025 tại một số thị trường chủ lực như Trung Quốc -1% YoY, Ấn Độ +8.5% YoY, khu vực ASEAN +3.5% YoY. Năm 2025, dự báo nhu cầu thép toàn cầu chỉ tăng khoảng 1.2% YoY, tương ứng với sản lượng 1.77 tỷ tấn. Thêm vào đó, xu hướng các thị trường xuất khẩu chủ lực của thép Việt Nam gia tăng áp đặt các biện pháp bảo hộ và chống bán phá giá sẽ thúc đẩy xu hướng nội địa hóa của các doanh nghiệp ngành thép.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép nhập khẩu
Vào ngày 11/02/2025, Mỹ tuyên bố áp thuế 25% lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này, nhằm bảo hộ các nhà sản xuất thép nội địa trong bối cảnh một số nhà máy lớn tại Pennsylvania đã phải đóng cửa trong năm 2024. Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép đã giảm khoảng 4 điểm % svck về mức trung bình 2.46% trong Q4/2024 do giá thép giảm khoảng 32% svck trong năm 2024. Hiện nay, sản lượng nhập khẩu thép tại Mỹ chủ yếu đến từ các sản phẩm HRC và CRC phục vụ cho sản xuất ô tô và tôn mạ phục vụ cho xây dựng. Hành động áp thuế góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu của nước này.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ trong năm 2024, bên cạnh Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải chịu thuế ở mức thấp (22% - 36%) theo mục 232 thuộc Đạo luật thương mại của Mỹ từ năm 2018. Mức thuế này thấp hơn so với các đối tác thương mại khác khi bị áp thuế (trên 60%).
Từ phía Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu thép lớn thứ 3 với tỷ trọng khoảng 14% (sau ASEAN và EU). Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 50% svck đạt mức 1.7 triệu tấn, trong đó phần lớn đến từ tôn mạ, CRC và HRC (chiếm 60% tỷ trọng). Sản lượng xuất khẩu tôn mạ tăng trưởng đến từ những tín hiệu tích cực của thị trường xây dựng tại Mỹ. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, tổng vốn đầu tư vào thị trường xây dựng năm 2024 đã hồi phục 6.5% svck.
Trong số các sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ, HRC và tôn mạ đang chịu thuế suất từ 21% - 36%; các sản phẩm thép xây dựng và HRC đang phải chịu mức thuế khoảng 33% - 36%.
→ Các sản phẩm này có thể không chịu nhiều tác động từ chính sách của Mỹ do mức thuế hiện nay đã cao hơn 25%. Tuy nhiên, một số sản phẩm tôn mạ có mức thuế khoảng 22% và khi tăng thuế có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với thép Việt Nam.
Đội ngũ phân tích thấy rằng việc tìm kiếm các nhà xuất khẩu mới có thể cần thời gian khi nhu cầu thép của Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào thép xuất khẩu (chiếm 51% sản lượng tiêu thụ). Các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam có thể lựa chọn giải pháp giảm giá bán nhằm duy trì thị phần do biên lợi nhuận gộp đang ở mức ổn định 8% - 10%. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu vẫn có thể duy trì trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm nhẹ.
Ngày 04/02/2025, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả điều tra sơ bộ về trợ cấp đối với tôn mạ chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam. GDA và HSG có mức trợ cấp thấp nhất (gần 0%). Trong khi đó, HPG và NKG chịu mức trợ cấp tương đương nhau là 46,73%.
Đội ngũ phân tích đánh giá 3 doanh nghiệp GDA, NKG và HSG sẽ chịu ảnh hưởng do tỷ trọng doanh thu từ thị trường Mỹ - Mexico là khá cao, lần lượt là 31.9%, 26.2% và 18.6%.
→ NKG sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ thị trường này.
Đối với HPG, doanh thu từ thị trường Mỹ - Mexico chỉ chiếm 2.9% tổng doanh thu. Do đó, HPG sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất từ các biện pháp chống bán phá giá nhờ các yếu tố sau:
(1) Các sản phẩm thép thượng nguồn (thép xây dựng, HRC) được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, kênh xuất khẩu đóng góp 30% tổng sản lượng;
(2) Thị trường xuất khẩu chính của HPG là các quốc gia thuộc ASEAN và Châu Á như Malaysia, Indonesia (chiếm 40% doanh thu xuất khẩu);
(3) Sản lượng HRC cần thiết để sản xuất tôn mạ cho HSG, NKG, GDA xuất khẩu đi Mỹ - Mexico trong 2024 ước tính đạt 450,000 tấn. Nếu sản lượng xuất khẩu tôn mạ vào thị trường Mỹ năm 2025 của HSG, NKG, GDA giảm trung bình 25%, nhu cầu tiêu thụ HRC hao hụt chỉ chiếm xấp xỉ 2% tổng công suất sản xuất của HPG trong kỳ;
(4) HPG cũng có kế hoạch sử dụng HRC để sản xuất thép chất lượng cao như tanh lốp, thép dây hàn, lõi que hàn, cáp thang máy,...
→ Rủi ro sản lượng tiêu thụ HRC của HPG suy giảm do nhu cầu tiêu thụ của HSG, NKG, GDA bị ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá của Mỹ ở mức thấp.
Chính sách chống bán phá giá của Chính phủ Việt Nam
Thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ được áp dụng sẽ giảm tải áp lực cạnh tranh với thép ngoại nhập vào thị trường Việt Nam.
Ngày 24/10/2024, Bộ Công thương chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (mức thuế xuất từ 2.56% - 34.27%).
Ngày 21/02/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế áp dụng dao động từ 19,38% - 27,83%, có hiệu lực từ ngày 08/03/2025 và kéo dài trong 120 ngày. Quyết định này được đưa ra sau khi phát hiện 72% lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 có xuất xứ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
→ Các chính sách bảo hộ và thuế chống bán phá giá của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ngành thép nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ thép nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành, củng cố cho đà phục hồi của ngành thép vào năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 2025
Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 lên mức 8% trở lên, thay vì mức 6,5% - 7% như trước đây. Mục tiêu này nhằm đạt quy mô GDP khoảng trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, các khu vực kinh tế cần tăng trưởng cao hơn so với năm 2024, trong đó, Công nghiệp - xây dựng được đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 9,5% trở lên, Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên, tạo đà phục hồi và tăng trưởng cho ngành sản xuất, trong đó có ngành thép.
Thúc đẩy đầu tư công
Quốc hội đã phê duyệt tăng tỷ lệ đầu tư công từ 6% GDP lên 7% GDP cho năm 2025, tương đương khoảng 36 tỷ USD (+40% svck). Việc tăng cường đầu tư công, đặc biệt vào các dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các ngành công nghiệp, bao gồm ngành thép.
Sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước ghi nhận phục hồi tích cực trong năm 2024 với động lực chính từ thị trường nội địa:
(1) Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng lên sau cơn bão Yagi;
(2) Hoạt động xây dựng sôi nổi hơn nhờ thị trường Bất động sản hồi phục và đầu tư công được đẩy nhanh vào nửa cuối năm 2024.
Sản lượng bán hàng thép thành phẩm tính đến hết tháng 11/2024 đạt 26.7 triệu tấn (+13% YoY); trong đó sản lượng nội địa tăng 18% YoY, chiếm đến 72% tổng sản lượng. Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chủ yếu đến từ thép xây dựng (9.1 triệu tấn, +12% YoY), tôn mạ (5.0 triệu tấn, +31% YoY), ống thép (2.1 triệu tấn, +8% YoY), và sản lượng tiêu thụ HRC và CRC đạt 10.5 triệu tấn (+30% YoY).
→ Áp lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thép.
Trong dài hạn, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024 sẽ là động lực lớn cho ngành thép. Dự kiến, dự án này sẽ tiêu thụ khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều nằm trong khả năng sản xuất của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Đội ngũ phân tích đánh giá, biên lợi nhuận gộp mảng thép bán ra ở kênh nội địa (~15%) cao hơn xuất khẩu (~9%), nên nhu cầu nội địa hồi phục sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp thép. Nhìn chung, tình hình sản xuất hiện tại đã đạt được trạng thái cân bằng giữa cung và cầu, sẵn sàng đón chờ cho một chu kỳ thép mới quay trở lại trong giai đoạn 2025 - 2026.
Sự phục hồi của thị trường Bất động sản.
Bất động sản dân dụng, thị trường tiêu thụ nội địa chính của ngành thép đang ghi nhận tín hiệu hồi phục. Cụ thể, số lượng các dự án đã giải ngân và đăng ký mới tăng lần lượt 77% QoQ và 21% QoQ trong Q3/2024. Dư nợ tín dụng cho ngành xây dựng cũng ghi nhận tăng trưởng 10% YoY trong tháng 9/2024. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm của giá bán và nguồn cung căn hộ được dự báo lần lượt là 7% và 6% trong giai đoạn 2024-2027F.
Năm 2024 là năm chuyển giao quan trọng, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường Bất động sản, khi:
(1) Ba bộ luật về Bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/08 giúp thiết lập hành lang pháp lý cần thiết;
(2) Mặt bằng lãi suất ở mức thấp (trung bình 7.9% cho các khoản vay trung và dài hạn);
(3) Nguồn cung và giá nhà ghi nhận những tín hiệu phục hồi, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.
Trên thực tế, so với vùng đỉnh vào Q1/2024, sản lượng tôn mạ Q4/2024 của HSG, NKG, GDA đã giảm lần lượt 19%, 31% và 28%. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của HPG cũng giảm 45%.
→ Tuy sản lượng xuất khẩu giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường Bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm 2025.
Triển vọng giá bán và biên lợi nhuận
Giá thép nội địa hạ nhiệt trong 11 tháng đầu năm 2024, neo quanh mức 13,500 - 14,000 VND/Kg. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Đội ngũ phân tích nhận định giá thép đã tạo đáy trong năm 2024 và dự phóng giá thép tăng 5% YoY trong năm 2025, nhờ động lực chính từ các yếu tố sau:
(1) Sự hồi phục của thị trường Bất động sản dân dụng với sự hỗ trợ của Chính phủ;
(2) Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh từ các dự án đầu tư công;
(3) Áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc giảm do Việt Nam áp thuế chống bán phá giá;
(4) Giá thép thế giới cũng đang có dấu hiệu tạo đáy đi lên.
Trong Q4/2024, giá than cốc và quặng sắt đã giảm lần lượt 15% QoQ và 6% QoQ, giá thép giảm 8% QoQ. Qua đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép được giữ ổn định trong Q4/2024 do chênh lệch giá đầu vào và đầu ra.
Dự phóng giá than cốc và quặng sắt trong năm 2025 sẽ giảm lần lượt 4% YoY và 6% YoY do sự gia tăng nguồn cung xuất khẩu tại Australia.
→ Trong điều kiện nhu cầu thép thuận lợi, giá bán tăng mạnh hơn chi phí đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ được hưởng lợi lớn nhờ lợi thế nguyên vật liệu giá rẻ thông qua các hợp đồng kỳ hạn, từ đó thúc đẩy biên lợi nhuận. Trong khi các doanh nghiệp phân phối thép sẽ hưởng lợi nhờ việc tích trữ hàng tồn kho hiệu quả.
Đồng thời, điểm tích cực đến từ việc thép HRC Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào Việt Nam từ tháng 01/2025. Mức xuất khẩu thép Trung quốc vào Việt Nam chỉ đạt 537 nghìn tấn, giảm so với mặt bằng 800 nghìn đến 1 triệu tấn thép mỗi tháng trước đó. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ HRC nội địa khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm.
Mặc dù xu hướng áp đặt các biện pháp bảo hộ và thuế chống bán phá giá đang dần lan rộng ở các thị trường quốc tế, xu hướng hạ lãi suất trên toàn thế giới lại giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường xuất khẩu thép và giúp các doanh nghiệp duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo. Nhu cầu thép tại Trung Quốc cũng đã tạo đáy và dần phục hồi sẽ kích thích giá thép tăng trong thời gian tới.
Dự báo kết quả kinh doanh
Dự báo sản lượng bán hàng sản phẩm thép toàn ngành năm 2025 là 32,5 triệu tấn (+10.6% svck). Sản lượng nội địa dự báo đạt 23,8 triệu tấn (+13,6% svck) và chiếm 73,3% tổng lượng sản phẩm thép. Đối với kênh xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng năm 2025 dự báo ở mức 8.7 triệu tấn (+3,1% svck), giảm tốc so với thực hiện cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, thép xây dựng và HRC dự báo chiếm tỷ trọng chính năm 2025 với lần lượt 40,9% và 24%. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đều tăng trưởng tích cực. Mức tăng trưởng tích cực nhất là thép xây dựng (+ 11,1% svck), HRC (+ 16,2% svck) và ống thép (+11% svck) nhờ thị trường nội địa tích cực khi xây dựng trong nước tăng trưởng cùng ngành được bảo hộ.
→ Đội ngũ phân tích nhận định điểm rơi tăng trưởng ngành vào khoảng Q2/2025, khi chính sách bảo hộ và thuế chống bán phá giá của Chính phủ phát huy tác dụng, song hành cùng việc thị trường Bất động sản phục hồi và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai.
Dự báo kết quả kinh doanh nhóm các doanh nghiệp đại diện cho ngành thép (HPG, HSG, NKG, GDA, SMC, TIS, TLH và VGS) sẽ tăng trưởng tích cực. Tổng doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp năm 2025 dự phóng ở mức 301.400 tỷ đồng (+18.6% svck) và giá bán nội địa trung bình cả năm tăng dao động từ 5.5% đến 8.5% tùy sản phẩm.
Năm 2025, tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của nhóm doanh nghiệp dự phóng ở mức 19.200 tỷ đồng (+43.1% svck). Mức dự phóng dựa trên luận điểm biên lợi nhuận gộp trung bình của nhóm doanh nghiệp năm 2025 đạt 14.1%.
→ Duy trì xu hướng tích cực trong năm 2025.
Các yếu tố rủi ro cản trở tăng trưởng
Bên cạnh những yếu tố tích cực, các yếu tố cản trở tốc độ hồi phục và tăng trưởng ngành cũng cần được cân nhắc.
Trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu sản phẩm thép các loại dự báo giảm tốc từ tác động tiêu cực của làn sóng bảo hộ ngành thép toàn cầu. Cụ thể, dự báo sản lượng xuất khẩu tôn mạ và HRC lần lượt là 2,9 triệu tấn (-7,3% svck) và 2,2 triệu tấn (-9,9% svck). Các sản phẩm còn lại có thể ghi nhận tăng trưởng dương nhưng dự kiến giảm tốc so với mức thực hiện trong năm 2024 bao gồm thép xây dựng, ống thép và CRC.
Mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước. Ngoài ra, sản phẩm nhôm thép, đặc biệt là sản phẩm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tính đến nay, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. Đối với sản phẩm nhôm, Mỹ đã điều tra 2 vụ việc.
Mặt khác, việc Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, mặt hàng thép và nhôm từ các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Cùng đó, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp thép quay đầu trở lại thị trường nội địa và các nước tăng cường bảo hộ đối với mặt hàng thép, nhôm như thời điểm năm 2018. Điều này dẫn tới việc các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại thị trường khác ngoài Mỹ.
Đội ngũ phân tích đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2025 của các doanh nghiệp chủ lực ngành thép như HPG, HSG và NKG sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo mức tăng lần lượt đạt 50%, 51% và 30% svck.
Doanh thu của HPG ước tính sẽ đạt 172.053 tỷ đồng năm 2025 (+24% svck). Doanh thu của NKG ước đạt hơn 24.200 tỷ đồng (+17% svck) và HSG đạt 43.900 tỷ đồng (+12% svck).
Trong bối cảnh kỳ vọng ngành thép tích cực hơn trong năm 2025, đội ngũ phân tích nhận định rằng HPG sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị trường khi thị phần thép xây dựng tăng từ 35% lên 38% trong năm 2024. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành lò cao đầu tiên tại Dung Quất từ Q1/2025 sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường nội địa.
HSG cũng được kỳ vọng cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh với dự báo lợi nhuận tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định và sự phục hồi của thị trường nội địa.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Nguyễn Minh Hạnh - CHuyên viên Nghiên cứu và Phân tích
* Liên hệ: 0934 650 459 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 5654
* Group Zalo Tư Vấn Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: FinTop DATA | Dữ Liệu Chứng Khoán
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!