Nửa cuối tháng 2 tiếp tục biến động với nhiều điểm nhấn vĩ mô đáng chú ý, những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu đang có tác động tương đối lên nền kinh tế Việt Nam. Hãy cùng đội ngũ phân tích điểm lại những thông tin vĩ mô đáng chú ý qua bài viết dưới đây:
1. Xuất nhập khẩu chững nhịp giai đoạn đầu 2025 trước những bất ổn về chính sách thuế quan của Tổng thống Trump
Theo số liệu thống kê sơ bộ ngày 19/02 của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2025 (1/2 - 15/2), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 31,48 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập siêu 3,2 tỷ USD trong kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,1 tỷ USD, tăng 41% YoY; nhập khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 80% YoY.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 94,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 47,28 tỷ USD, tăng 6% YoY; nhập khẩu đạt 47,48 tỷ USD, tăng 17% YoY.
Tuy nhiên, so với kỳ 1 tháng 1/2025, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2025 (từ ngày 1/2 đến ngày 15/2/2025) đạt 31,5 tỷ USD, giảm 7,9% (tương ứng giảm 2,7 tỷ USD). Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14,15 tỷ USD giảm 12,92%, khu vực FDI đóng góp 10,58 tỷ USD, khu vực trong nước đóng góp 3,57 tỷ USD. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 17,34 tỷ USD giảm 3,5%, trong đó khu vực FDI đóng góp 11,23 tỷ USD, khu vực trong nước đóng góp 6,11 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu đạt tỷ USD trong kỳ 1 tháng 2/2025 bao gồm máy tính (3,29 tỷ USD, tăng 77% svck), sản phẩm điện tử, điện thoại (2,21 tỷ USD, tăng 39% svck), linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ (1,69 tỷ USD, tăng 43% svck), hàng dệt may (1 tỷ USD, tăng 3,6% svck). Đáng chú ý, so với cùng kỳ tháng trước, kim ngạch xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng 307%, kim ngạch nhập khẩu gia súc tăng 98%.
Đánh giá: Dữ liệu xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 2/2025 tăng trưởng so với mức nền thấp (Tết Nguyên Đán) của năm ngoái, tuy nhiên bắt đầu có tín hiệu suy giảm so với nửa đầu tháng 1/2025. Đội ngũ phân tích đánh giá xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2025 sẽ gặp khó trong việc duy trì đà tăng trưởng, trong bối cảnh so sánh với mức nền cao của năm 2024. Động thái áp thuế của Tổng thống Trump cũng đang gây ra leo thang căng thẳng thương mại và rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu, tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025.
2. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là mục tiêu chiến lược của Chính phủ trong năm 2025
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt 60.423,8 tỷ đồng, tương đương 6,9% kế hoạch và 7,32% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024. Cũng theo số liệu công bố, hiện chỉ có 4 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Bộ Tài chính vẫn đang đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, đảm bảo giải ngân đạt trên 95% kế hoạch cả năm.
Để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo mục tiêu giải ngân đầu tư công khoảng 36 tỷ USD trong năm 2025, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg yêu cầu hoàn thành phân bổ chi tiết vốn trong quý I/2025, đồng thời cảnh báo sẽ cắt giảm và điều chuyển vốn với các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai.
Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao như: TP.HCM dẫn đầu đạt 10%, Hải Phòng 12,5% và Bắc Giang hưởng lợi 13,6%. Đáng chú ý, thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, bao gồm các hạng mục giải phóng mặt bằng, xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với các cảng biển.
Đánh giá: Mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm 2025 chậm hơn dự kiến, Chính phủ đang tập trung cao độ, lấy thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng làm trọng tâm chiến lược để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao 8% trong năm 2025. Đội ngũ phân tích kỳ vọng lĩnh vực đầu tư công tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới và là nhóm ngành đầu tư tiềm năng cho cả năm 2025.
3. Định giá thị trường chứng khoán (P/E) đang tiệm cận vùng đáy kể từ 2015, cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành có mức định giá hấp dẫn
Theo dữ liệu thống kê từ FiinTrade, chỉ số P/E toàn thị trường hiện ở mức 12,9x, thấp hơn mức trung bình dài hạn (~15x) và tiệm cận vùng đáy từ năm 2015 đến nay. So với đỉnh (~19,5x vào năm 2021), P/E hiện đã giảm đáng kể, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và sự suy yếu của dòng tiền vào thị trường (đáng chú ý là xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn). Tuy nhiên, mức định giá thấp lại mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn khi có các yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô hoặc sự cải thiện trong tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp hoặc nội tại thị trường (câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi).
Xét theo từng nhóm ngành, Ngân hàng kéo mặt bằng định giá chung xuống thấp, với P/E đang giao dịch ở mức 9,4x. Trong khi đó, nhóm Phi tài chính có định giá P/E ở mức 16,9x, nhưng định giá cao hơn nếu loại bỏ Bất động sản. Nhìn chung, các lĩnh vực bao gồm Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng có định giá THẤP hơn trung bình 5 năm (tính tới ngày 10/02/2025).
Đánh giá: Với mặt bằng định giá tương đối thấp của thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại, đội ngũ phân tích kỳ vọng 2025 sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn ở những nhóm ngành đang có mức định giá rẻ, hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2025. Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng dự kiến sẽ mang đến nhiều tiềm năng đầu tư hấp dẫn nhờ hưởng lợi từ kế hoạch đẩy mạnh tín dụng và tăng chi tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cao 2025 đạt 8%.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Trần Khánh Linh - Trưởng phòng Kinh doanh chứng khoán
* Liên hệ: 0971 764 531 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 8043
* Group Zalo Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: Kỷ Nguyên Đầu Tư | FinTop DATA
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!