Ngân hàng HDBank sau năm 2024 bứt phá đầy mạnh mẽ đang xây dựng lại một nền tảng tích lũy vững vàng để đón nhận những cơ hội mới, tiếp tục tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 2025-2030.
PHẦN 1: QUAN ĐIỂM TÁC GIẢ
1. Triển vọng đầu tư
HDBank có nhiều triển vọng tăng trưởng trong chu kỳ mới năm 2025, cụ thể:
- Tăng trưởng huy động vốn ổn định, tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng dài hạn. Việc tăng trưởng huy động cao trong các năm vừa qua tạo không gian để HDBank có thể đáp ứng nhu cầu vốn, phục vụ tăng trưởng tín dụng trong dài hạn.
- Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy chính sách tiền tệ, yêu cầu tăng trưởng tín dụng ở mức cao trên 16% để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
- Số hóa ngân hàng là chìa khóa giúp HDBank tăng tính cạnh tranh và cải thiện tỷ lệ CASA, qua đó cải thiện đáng kể biên lợi nhuận trong trung và dài hạn.
- Thu nhập mảng phí dịch vụ còn nhiều dư địa phát triển, thông qua mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tại HD Securities và mảng Bancassurance.
- Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng Đông Á (DongABank) kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, mang đến nhiều cơ hội bứt phá tăng trưởng quy mô cho HDBank trong giai đoạn 2025-2030.
- Tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài, giúp HDBank nâng mặt bằng định giá của ngân hàng lên một tầm cao mới, với định giá P/B ở mức 2.2-2.5 lần (tăng 41%-61% so với mặt bằng định giá hiện tại).
2. Góc nhìn phân tích kỹ thuật
Cổ phiếu HDB đã có quá trình kiểm định, tích lũy trở lại trong 2 tháng đầu năm 2025 để mở ra một xu hướng tăng trưởng trung và dài hạn. Thanh khoản đang dần cải thiện trong nửa cuối tháng 2, dòng tiền lớn đang dần quay trở lại tham gia cổ phiếu tại vùng nền tích lũy mới 22,000-23,500. HDB cho tín hiệu đầu tư mới quanh vùng giá 23.x, được Đội ngũ Chuyên gia đánh giá có triển vọng tăng trưởng tốt trong chu kỳ mới.
HDB khả năng sớm tiếp diễn đà tăng trưởng, mở ra một sóng mới trong tháng 3 2025, khi giá cổ phiếu cho tín hiệu phá vỡ vùng kháng cự kỹ thuật tại 23,500. Vùng giá mục tiêu hướng về 26.5 trong ngắn hạn tương ứng lợi nhuận tiềm năng có thể đạt được khoảng 15%.
PHẦN 2: BÁO CÁO PHÂN TÍCH
I. TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1. Lịch sử hình thành và phát triển của ngân hàng HDBank
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) được thành lập vào ngày 11 tháng 2 năm 1989, ban đầu mang tên Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng chính thức hoạt động từ ngày 04/01/1990 và là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên được thành lập theo chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam.
Nhờ chiến lược Ngân hàng bán lẻ đa năng, với trọng tâm là phân khúc Khách hàng Cá nhân (KHCN), tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), định hướng tăng trưởng cao và bền vững, HDBank đã liên tục vươn lên và hiện nằm trong TOP 10 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản hàng đầu Việt Nam.
Về quy mô hoạt động, tính đến hết năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 697,281 tỷ đồng, tăng ấn tượng hơn 3 lần trong vòng 6 năm qua. Ngân hàng sở hữu mạng lưới gồm 362 điểm giao dịch ngân hàng trong nước và quốc tế, 25,103 điểm giới thiệu dịch vụ (POS) phủ khắp 63/63 tỉnh và thành phố, hỗ trợ mạnh mẽ cho HDBank trong việc mở rộng NIM, tăng khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng tập khách hàng.
Ngoài mảng kinh doanh dịch vụ ngân hàng truyền thống, HDBank cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như tài chính tiêu dùng và hàng không, tạo nên hệ sinh thái đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công ty con của ngân hàng - HD SAISON hiện là công ty cho vay tiêu dùng lớn thứ 2 trên thị trường, chiếm thị phần 15% trong thị trường tài chính tiêu dùng.
Trên thị trường chứng khoán, HDBank chính thức IPO vào năm 2018 với mã cổ phiếu HDB và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của ngân hàng đạt hơn 80,000 tỷ đồng, thuộc Top 10 ngân hàng tư nhân lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán. HDBank cũng được đưa vào danh mục chỉ số VN30 Index và duy trì vị trí trong rổ chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI).
2. Chiến lược kinh doanh của ngân hàng HDBank
a. Chiến lược cho vay tập trung tại nhóm khách hàng có mức độ rủi ro thấp
HDBank hiện đang áp dụng chiến lược kinh doanh, cho vay tập trung vào 3 nhóm khách hàng chính:
- Khách hàng tại các đô thị loại 2 và khu vực nông thôn: nhóm khách hàng này hiện chiếm khoảng 45-50% tổng dư nợ tín dụng. Các khoản vay tại đây không chỉ đem lại mức lợi suất tốt, mà đi kèm với mức độ an toàn cao. Theo thống kê, tỷ lệ nợ xấu tại đô thị loại 2 và khu vực nông thôn luôn thấp hơn các thành phố lớn nhờ đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và cơ chế kiểm soát rủi ro chặt chẽ của ngân hàng. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, HDBank đã xây dựng các giải pháp tài trợ chuỗi một cách hiệu quả trên cơ sở am hiểu sâu sắc nhu cầu khách hàng.
- Các chuỗi sản xuất lớn trong và ngoài nước: HDBank đang là đối tác với nhiều chuỗi sản xuất lớn như C.P Việt Nam, Unilever, Petrolimex, PV OIL... Với từng đối tác HDBank đều thiết kế các sản phẩm, dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán, gói vay phù hợp… với nhu cầu cụ thể của khách hàng. Ưu thế công nghệ cho phép HDBank xây dựng quy trình, tối ưu hóa vận hành trong việc kiểm soát dòng tiền, quản lý nợ xấu.
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Với nền tảng công nghệ và năng lực tài chính vững mạnh, HDBank đã thu hút được một tập khách hàng ổn định trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, sản xuất, xuất nhập khẩu.
b. Chuỗi giá trị trong hệ sinh thái của HDBank
HDBank hiện hoạt động trong hệ sinh thái của tập đoàn mẹ Sovico, với ba trụ cột chính là ngân hàng - HDBank, tài chính tiêu dùng - HD Saison và Vietjet Air. Bên cạnh đó, HDBank còn kết nối với nhiều đối tác chiến lược như: Petrolimex, PV Oil, FPT, THACO… Từ đó ngân hàng có thể tiếp cận được một tập khách hàng khổng lồ, lên đến hơn 42 triệu khách hàng, tương đương 40% dân số Việt Nam.
Nhờ lợi thế từ tập khách hàng lớn và hệ sinh thái gắn kết trong chuỗi giá trị, tính đến cuối năm 2024 HDBank đang phục vụ cho hơn 17 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, phủ sóng rộng khắp trên thị trường.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ KINH DOANH VÀ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH
1. Kết quả kinh doanh năm 2024 trên đà khởi sắc
Trong quý IV năm 2024, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.075 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động trong quý này đạt 8.202 tỷ đồng, tăng 9.8% so với cùng kỳ năm 2023. Sự suy giảm nhẹ của lợi nhuận trước thuế chủ yếu do mức tăng của chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong giai đoạn cuối năm.
Tính chung cả năm 2024, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 16.731 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao. Các chỉ số sinh lời như ROA đạt 2,04% và ROE đạt 25,71%, nằm trong nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kiểm soát ở mức 1,93%, trong khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt 14,1%, cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, công ty con HD SAISON tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 83,9% so với năm 2023. HDBank cũng đã hoàn thành chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, thuộc nhóm các ngân hàng trả cổ tức cao trong ngành.
2. Vị thế tài chính hiện tại của HDBank
a. Hiệu quả hoạt động nằm trong TOP đầu hệ thống ngân hàng
HDBank đã liên tục vươn mình trong các năm qua và hiện nằm trong TOP 10 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam. Năm 2024, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 697,281 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 7 lần trong 10 năm qua (kể từ năm 2014) nhờ chiến lược tập trung vào các giao dịch M&A. Đây là một trong những mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong hệ thống ngân hàng.
Trong giai đoạn 2019-2024, HDBank luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) trên 20%/năm, trong đó thu nhập lãi thuần luôn chiếm tỷ trọng từ 81%-91% trong tổng thu nhập hoạt động, cho thấy ngân hàng ưu tiên chiến lược tập trung mở rộng tập khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Lợi nhuận trước thuế của HDBank trong giai đoạn này tăng trưởng với tốc độ trung bình (CAGR) đạt 27.1%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng là 22.3% (so sánh 11 ngân hàng có quy mô hoạt động lớn nhất Việt Nam). Với ước tính thận trọng, đội ngũ phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì trên 15% trong giai đoạn 2025-2030 nhờ những lợi thế cạnh tranh hiện có của HDBank.
b. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ổn định dưới 2%, giúp cân bằng giữa rủi ro và hiệu quả
Trong giai đoạn 2019-2024, HDBank luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu (NPL) tương đối tốt dưới mức 2%, đặc biệt khi so sánh với các ngân hàng có công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ qua các năm và ở mức 1.93% vào năm 2024. Kết quả này đạt được nhờ chiến lược cho vay tập trung vào đô thị loại 2 và khu vực nông thôn có rủi ro thấp, đồng thời thận trọng trong việc thẩm định các khoản vay, hạn chế các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.
Đối với lĩnh vực bất động sản, HDBank có chiến lược kiểm soát nợ xấu tương đối chặt chẽ. Cho vay bất động sản chỉ chiếm 16% tổng dư nợ cho vay trong năm 2024, thấp hơn mức trung bình ngành (22% – 23%). HDBank tập trung cho vay các dự án bất động sản thuộc phân khúc tầm trung, có pháp lý đầy đủ và thanh khoản tốt, đồng thời kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại HDBank chỉ ở mức 0.2%, thấp so với các ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, thu nhập vượt trội cho phép HDBank tăng trích lập dự phòng trong năm 2024. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 69%, tăng 3% so với năm 2023. Trong năm 2025, HDBank cam kết duy trì các chính sách quản trị chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tài sản và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ LLR lên mức trung bình ngành (100%), nhằm tạo ra bộ đệm tài chính vững chắc hơn để ứng phó với các biến động trong tương lai.
III. TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG GIAI ĐOẠN 2025-2030
Đội ngũ phân tích đánh giá HDBank là ngân hàng có tiềm năng đầu tư hấp dẫn, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong giai đoạn 2025-2030 dựa trên những luận điểm đầu tư sau:
- Tăng trưởng huy động vốn ổn định, tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng dài hạn
- Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
- Số hóa ngân hàng là chìa khóa giúp tăng tính cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận
- Thu nhập mảng phí dịch vụ còn nhiều dư địa phát triển, thông qua HD Securities và mảng Bancassurance
- Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng Đông Á là cơ hội bứt phá tăng trưởng quy mô trong giai đoạn 2025-2030
- Tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài
1. Tăng trưởng huy động vốn ổn định, tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng dài hạn
Tổng giá trị huy động vốn năm 2024 của HDBank đạt 621,119 tỷ VNĐ, tăng 16% từ mức nền cao năm 2023. Trong đó tăng trưởng tiền gửi khách hàng đạt 18% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, HDBank cũng tăng cường huy động vốn qua kênh phát hành giấy tờ có giá để chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu trung và dài hạn.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động của khách hàng (LDR) của HDBank năm 2024 đạt 71%, thấp hơn mức trung bình ngành 78% và mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 85%. Điều này tạo không gian lớn cho ngân hàng trong việc mở rộng tăng trưởng tín dụng một cách an toàn mà không gây áp lực lên thanh khoản. Với mức LDR thấp, HDBank có nhiều dư địa để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ các phân khúc khách hàng chiến lược như khách hàng doanh nghiệp lớn, SME và tín dụng tiêu dùng, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
2. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong bối cảnh tăng trưởng mới của Việt Nam
Trong năm 2024, HDBank tập trung thúc đẩy mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp (KHDN) - đóng góp 89% vào mức tăng trưởng tín dụng cả năm. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) ở mức 35%, KHDN ở mức 55.8% (tỷ trọng 2 khối khách hàng này trong năm 2023 lần lượt ở mức 53.7% và 39%).
Nhờ đó, cho vay khách hàng năm 2024 đạt 442,485 tỷ đồng, tăng trưởng 28.9%, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm (tăng trưởng bình quân của HDBank ở mức 20%, cao hơn so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ~14%-15%).
Ngày 25/02/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Kỳ vọng mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tăng trưởng vốn FDI, tiêu dùng nội địa gia tăng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt bằng lãi suất được Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho HDBank thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách bền vững. Theo ước tính, tăng trưởng tín dụng năm 2025 cần đạt trên 16% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
=> Đội ngũ phân tích dự phóng tăng trưởng tín dụng của HDBank tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 22% trong năm 2025 nhờ bối cảnh vĩ mô thuận lợi: (1) Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước; (2) Tăng trưởng GDP dự báo đạt 8%; (3) Tăng trưởng tín dụng đạt 16% toàn hệ thống, tập trung tại phân khúc thế mạnh của HDBank là tiêu dùng trong nước.
3. Số hóa ngân hàng là chìa khóa giúp tăng tính cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận
Trong năm 2024, HDBank đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số thông qua: ra mắt ngân hàng số Vikki by HDBank, hướng tới đối tượng người dùng trẻ (GenZ); phát triển các ứng dụng thân thiện với khách hàng; xây dựng các phần mềm đáp ứng riêng cho tập khách hàng doanh nghiệp lớn; triển khai các tính năng thanh toán liên kết với trường học và bệnh viện; đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, như hợp tác với AWS (Amazon Web Services) để triển khai các giải pháp điện toán đám mây toàn diện và phát triển các sản phẩm chuyên biệt.
Tính đến hết tháng 9 năm 2024, HDBank đạt 75.9 triệu lượt giao dịch qua kênh số, tỷ lệ giao dịch số của khách hàng cá nhân đạt mức 97%.
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, HDBank đã có mức tăng trưởng khách hàng tích cực và cải thiện tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ CASA cải thiện đáng kể đạt 12%, tăng 1.1% so với năm 2023. Đội ngũ phân tích kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục tăng trưởng, lần lượt đạt mức 14% và 15.3% trong giai đoạn 2025-2026.
Tăng trưởng tín dụng nhanh, tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm và áp dụng chuyển đổi số để cải thiện tỷ lệ CASA đã giúp nâng cao biên lãi thuần (NIM) của HDBank, đạt 5.2% trong năm 2024, so với mức trung bình ngành 3.5%. Mức NIM này là vượt trội so với mặt bằng chung ngành ngân hàng và được duy trì trong cả giai đoạn 2019-2024.
=> Đội ngũ phân tích dự phóng NIM của HDBank tiếp tục tăng trưởng và đạt mức 5.3% trong năm 2025 do: (1) Chiến lược cho vay tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm đem lại lợi tức cao; (2) Dư địa cho vay mở rộng từ mức LDR còn thấp; (3) Chi phí vốn cải thiện đến từ tỷ lệ CASA tăng nhờ áp dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả.
4. Thu nhập mảng phí dịch vụ còn nhiều dư địa phát triển
Vào tháng 4 2024, HDBank đã được phê duyệt và tiến hành góp vốn vào HD Securities, qua đó hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ tài chính. Đây là nền tảng quan trọng để HDBank mở rộng các dịch vụ quản lý tài chính như quản lý tài sản cho khách hàng lớn, tư vấn tài chính doanh nghiệp, thâm nhập vào mảng ngân hàng đầu tư.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) cũng có nhiều tiềm năng khai thác và được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn thu nhập mới cho HDBank trong giai đoạn 2025-2030. Hiện 70% khách hàng mảng bancassurance của HDBank đến từ các khu vực đô thị loại 2 - thị trường mà ngân hàng có lợi thế hoạt động nhờ mức độ cạnh tranh thấp hơn và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn thấp so với khu vực thành thị.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường bancassurance tại Việt Nam vẫn còn trầm lắng và đang ở giai đoạn đầu phát triển, với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đây được xem là cơ hội đầy hứa hẹn, có thể trở thành động lực tăng trưởng nguồn thu từ phí dịch vụ (NFI) cho HDBank trong dài hạn.
=> Đội ngũ phân tích kỳ vọng HDBank có thể nhận được khoản phí trả trước (upfront) dao động từ 5,000-8,000 tỷ đồng khi ký kết hợp đồng độc quyền với một công ty bảo hiểm nhân thọ trong tương lai, dựa trên các hợp đồng tương tự trong lĩnh vực ngân hàng.
5. Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng Đông Á là cơ hội để HDBank mở rộng quy mô trong giai đoạn 2025-2030
Ngày 17/01/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc 4 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó DongABank được chuyển giao bắt buộc cho HDBank. Sau khi nhận chuyển giao, DongABank sẽ là ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, theo quy định mới, DongABank sẽ là pháp nhân độc lập, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của HDBank. Chính sách cổ tức, chính sách phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi phương án chuyển giao bắt buộc và độc lập với kết quả kinh doanh của DongABank.
Dựa trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của DongABank, đội ngũ phân tích đánh giá DongABank là ngân hàng nổi bật và có tiềm lực tốt nhất trong 4 ngân hàng được NHNN yêu cầu chuyển giao bắt buộc, cụ thể:
- Vốn điều lệ lớn nhất trong các ngân hàng được chuyển giao, đạt 5,000 tỷ đồng
- Đội ngũ nhân sự đông đảo với 4,184 người
- Dẫn đầu về mạng lưới chi nhánh với 223 điểm giao dịch, vượt xa các ngân hàng khác như MBV (101 chi nhánh), CB (92 chi nhánh), GPBank (85 chi nhánh)
Những lợi thế trên mở ra cơ hội lớn để HDBank tận dụng mạng lưới và nguồn nhân lực từ DongABank. Với mạng lưới 223 chi nhánh, đặc biệt tại các đô thị loại 2 và khu vực nông thôn, HDBank có thể nhanh chóng gia tăng thị phần và tối ưu hóa hệ số chi phí trên thu nhập (CIR). Đồng thời, lượng nhân sự lớn và hệ thống vận hành sẵn có của DongABank có thể giúp HDBank tận dụng nguồn lực để phủ rộng các sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, HDBank cũng sẽ được NHNN nới room tín dụng trong năm 2025, tạo dư địa mở rộng hoạt động cho vay và hỗ trợ tín dụng giữa hai ngân hàng trong tương lai. Những yếu tố này không chỉ giúp HDBank tận dụng tối đa lợi ích từ việc chuyển giao DongABank mà còn nâng cao vị thế của ngân hàng trong hệ thống tài chính Việt Nam.
6. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài
Mặc dù có quy mô thuộc TOP 10 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất Việt Nam, HDBank hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại nguồn lực tài chính cho HDBank; hỗ trợ ngân hàng gia tăng bộ đệm vốn; hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Tới cuối 2024, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của HDBank là 17.5%, vẫn còn room ngoại (49%) và là một trong những ngân hàng hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng bởi FTSE trong năm 2025, ước tính thu hút khoảng 1 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài (FII). Việc nằm trong các rổ chỉ số VN30, VNFinlead và VN Diamond là lợi thế để HDBank dễ dàng thu hút vốn khi các quỹ đầu tư nước ngoài tiến hành giải ngân vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thương vụ bán vốn cho cổ đông ngoại nếu diễn ra sẽ nâng mặt bằng định giá của HDBank lên một tầm cao mới, mang lại triển vọng tăng trưởng tốt cho HDBank trong trung và dài hạn.
=> Dựa trên định giá của các thương vụ mua bán cổ phần trong những năm gần đây, đội ngũ phân tích đánh giá HDBank có thể bán vốn cho cổ đông ngoại với mức định giá trong khoảng 2.2 – 2.5 lần BVPS, cao hơn từ 42%-61% so với mức định giá hiện tại của ngân hàng (HDB có mức P/B ~1.55 lần).
IV. DỰ PHÓNG VÀ ĐỊNH GIÁ
1. Định giá cổ phiếu HDBank
Đội ngũ phân tích áp dụng hai phương pháp định giá Chiết khấu thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B với trọng số tương đương nhau để ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HDBank.
Với phương pháp Chiết khấu thu nhập thặng dư, đội ngũ giả định chi phí vốn chủ sở hữu (COE) là 14.3%, cao hơn mức trung bình sử dụng cho các ngân hàng với cùng quy mô nhằm thể hiện quan điểm thận trọng liên quan đến những rủi ro về chất lượng tài sản của HDBank. Định giá hợp lý của cổ phiếu HDBank theo phương pháp này là 32,327 VND/cổ phiếu.
Với phương pháp so sánh P/B, hiện tại HDBank đang giao dịch với mức P/B 1.55 lần, P/B dự phóng 1 năm 1.05 lần. Ở mức định giá này, đội ngũ phân tích đánh giá HDBank vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong các năm tiếp theo. Đội ngũ định giá HDBank ở mức P/B 1.57 lần vào thời điểm cuối năm 2025 (tương đương mức định giá trung bình 3 năm). Giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu là 33,122 VND/cổ phiếu.
=> Kết hợp cả hai phương pháp định giá, đội ngũ phân tích đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu HDBank trong năm 2025 ở mức 32,725 VND/cổ phiếu, tương đương tỷ suất sinh lời 41% so với mức giá đóng cửa ngày 25/02/2025.
2. Rủi ro đầu tư
Bên cạnh những triển vọng nổi bật, đội ngũ phân tích lưu ý một số rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu HDBank như sau:
- Nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến: Kinh tế tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng của HDBank. Ngân hàng có thể đối mặt với áp lực suy giảm biên lợi nhuận khi phải cạnh tranh với các đối thủ nhằm thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, HDBank có thể phải điều chỉnh chiến lược cho vay, giảm tỷ trọng các lĩnh vực rủi ro, chuyển hướng sang các sản phẩm đầu tư sinh lời ít hơn để đảm bảo an toàn tài chính.
- Biên lãi ròng (NIM) thu hẹp nếu lãi suất tiền gửi tăng nhanh: Khi lãi suất tiền gửi tăng nhanh hơn dự kiến, chi phí huy động sẽ tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng trong ngắn hạn, dẫn đến NIM bị thu hẹp. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì tỷ lệ lợi nhuận và kiểm soát rủi ro của HDBank, trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Trần Khánh Linh - Trưởng phòng Kinh doanh chứng khoán
* Liên hệ: 0971 764 531 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 8043
* Group Zalo Tư Vấn Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: FinTop DATA | Dữ Liệu Chứng Khoán
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!