Tháng 1 năm 2025 đã kết thúc với rất nhiều sự kiện vĩ mô trong nước và quốc tế, tác động không nhỏ đến dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu. Hãy cùng đội ngũ phân tích điểm lại những câu chuyện vĩ mô đang có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán trong bài viết dưới đây.
1. Căng thẳng thương mại bắt đầu leo thang khi Tổng thống Donald Trump có động thái áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc
Theo sắc lệnh thuế quan ban hành ngày 01/02, ông Trump đe dọa áp thuế với mức 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung 10%. Riêng hàng hóa năng lượng từ Canada, mức thuế được áp dụng là 10%.
Quy mô của động thái này là cực kỳ lớn khi tổng kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ với ba quốc gia này lên tới 1,600 tỷ USD. Ông Trump đang sử dụng thuế quan như một quân bài mặc cả trong đàm phán và cũng là công cụ gây áp lực để thúc đẩy những thay đổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là các vấn đề về nhập cư và buôn bán ma túy.
Ngay sau khi sắc lệnh thuế quan mới được công bố, chính quyền các nước bị áp thuế đã có những động thái thỏa thuận nhằm làm dịu tình hình căng thẳng thương mại:
- Canada và Mexico đạt được thỏa thuận tạm ngưng thuế quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày 03/02, sau khi hai nước đồng ý thực hiện các biện pháp để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy vào Mỹ.
- Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 02-02 tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó bao gồm kiện Mỹ đơn phương tăng thuế lên “Tổ chức Thương mại thế giới WTO”. Tuy vậy, Trung Quốc cho biết sẽ hội thảo với Mỹ để đạt được thỏa thuận thuế quan trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.
=> Hiện thuế quan có thể xem là một công cụ để chính quyền Tổng thống Trump đàm phán những thỏa thuận tốt hơn với các đối tác thương mại, bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và tăng nguồn thu cho ngân sách nước Mỹ. Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới đang thổi bùng lên những lo ngại về căng thẳng và chiến tranh thương mại toàn cầu, gây nên những rủi ro về chuỗi cung ứng cũng như nguy cơ lạm phát tái bùng phát, lạm chậm lại tiến trình hạ lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ (FED) trong năm 2025.
2. FED giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 1, chính sách tiền tệ có nhiều bất định dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất mục tiêu ở mức 4.25-4.5% trong kỳ họp tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều bất định trong chính sách của chính quyền tổng thống mới Donald Trump. FED đưa ra thông điệp rằng họ sẽ thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất thêm trong năm nay, khi thị trường việc làm vẫn tương đối vững chắc và giá cả tiếp tục neo ở mức cao.
Chỉ số PCE lõi tháng 12 - thước đo lạm phát yêu thích của FED tiếp tục duy trì ở mức 2.8% - tương đương tháng 11, trong khi số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục giảm trong tuần cuối cùng của tháng 1, cho thấy thị trường lao động tại Mỹ vẫn tương đối ổn định.
Tăng trưởng GDP Mỹ Q4 sơ bộ đạt 2.3%, thấp hơn so với dự báo của giới phân tích là 2.7%, đang đặt ra nhiều thách thức cho FED trong việc điều hành chính sách tiền tệ, hướng tới kìm hãm lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
3. Cập nhật bức tranh toàn cảnh kết quả kinh doanh Q4 2024 của các doanh nghiệp niêm yết
Tính đến ngày 3/2/2025, đã có 894 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 95,4% vốn hóa toàn thị trường) công bố KQKD quý 4/2024:
- Trong quý 4/2024, LNST toàn thị trường tăng +20,9% YoY, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định quý thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, nhóm Phi tài chính tiếp tục vai trò dẫn dắt nhưng tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, đạt +25,7% YoY trong quý 4 (so với +29% YoY trong quý 3). Ngược lại, Tài chính lấy lại đà tăng với mức tăng trưởng +16,7% YoY, cao hơn so với quý trước (+14,9% YoY) nhờ Ngân hàng và Bảo hiểm.
- Một số ngành có tăng trưởng bứt phá trong Q4/2024, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, bao gồm Bất động sản, Bán lẻ, Hàng không, Hàng cá nhân, Viễn thông, CNTT, Cao su. Ngược lại, một số ngành tiếp tục gặp khó là Chứng khoán, Dầu khí, Tiện ích, Sữa, Nhựa, Hóa chất,Than.
- Với Bất động sản, mức tăng trưởng đột biến về LNST (+101,3%) phần lớn đến từ VHM (+1482,3%) nhờ đẩy mạnh bàn giao tại đại dự án Royal Island (Hải Phòng), cùng sự đóng góp từ một số doanh nghiệp khác như KDH, PDR, DXG, NLG, VPI. Tuy nhiên, do đặc thù ghi nhận doanh thu trong ngành BĐS (doanh thu chỉ được hạch toán khi bàn giao dự án), mức tăng trưởng cao này không phản ánh sự hồi phục thực sự của toàn ngành. Trên thực tế, tại thời điểm cuối năm 2024, số dư “người mua trả tiền trước” (được coi là nguồn tiền sẵn có để đảm bảo doanh thu trong tương lai của doanh nghiệp BĐS) giảm -8,2% so với 30/9/2024, trong khi trước đó tăng +1,8% trong Q3 và +5,7% trong Q2. Điều này phần nào phản ánh sự suy giảm trong tốc độ bán hàng và thu tiền từ khách hàng, cho thấy nhu cầu thị trường vẫn yếu, niềm tin nhà đầu tư chưa phục hồi hoàn toàn, và áp lực thanh khoản vẫn hiện hữu.
- Lũy kế cả năm 2024, LNST toàn thị trường tăng +22,3% YoY, với động lực chính đến từ nhóm Phi tài chính (+28,7%) trong khi Tài chính tăng trưởng khiêm tốn hơn (+17,5%). Sự phục hồi của nền kinh tế đã tạo điều kiện cho nhiều ngành phi Tài chính tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, đặc biệt là Bán lẻ (+479,3%), Du lịch & Giải trí (+319,6%), Viễn thông (+144,1%).
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Trần Khánh Linh - Trưởng phòng Kinh doanh chứng khoán
* Liên hệ: 0971 764 531 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 8043
* Group Zalo Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: Kỷ Nguyên Đầu Tư | FinTop DATA
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!