Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn khi hệ thống KRX đang được triển khai thử nghiệm và dự kiến đi vào vận hành (go-live) từ 05/05/2025, sau nhiều năm chờ đợi. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng khai thác và mở rộng thị trường, thu hút mạnh dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vươn tầm quốc tế.
A. QUAN ĐIỂM TÁC GIẢ
Động Lực Tăng Trưởng Ngành Năm 2025
(1) Thông tin tích cực về việc hệ thống KRX sắp đi vào vận hành và cơ hội nâng hạng thị trường theo FTSE Russell đang đến gần;
(2) Lãi suất được duy trì ở mức thấp, giúp chuyển hướng dòng tiền vào thị trường chứng khoán;
(3) Định giá thị trường vẫn đang ở ngưỡng hấp dẫn cùng thanh khoản duy trì ở mức cao.
Những yếu tố kể trên giúp năm 2025 được kỳ vọng là năm bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước cho thị trường chứng khoán cũng như lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Triển Vọng Đầu Tư
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng tươi sáng của ngành chứng khoán, đặc biệt là hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành ngày 05/05/2025 tới đây, các công ty chứng khoán có P/E thấp hơn trung bình ngành, kết hợp cùng hệ thống công nghệ mạnh, thị phần môi giới lớn và cung cấp dịch vụ phái sinh sẽ có tiềm năng hưởng lợi nhiều nhất.
Cổ Phiếu Nổi Bật
VND: Cổ phiếu VND đã chính thức thoát khỏi xu hướng giảm và đang trên đà phục hồi kể từ phiên ngày 15/01/2025. Cổ phiếu hiện đang trong giai đoạn đi ngang tích lũy nền cùng những phiên duy trì thanh khoản ở mức cao trên trung bình 20 phiên gần nhất. Cổ phiếu đang có xu hướng tiếp tục đi ngang kiểm định hỗ trợ MA200. Nếu duy trì được dòng tiền như hiện tại, cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hướng về vùng kháng cự tiếp theo quanh vùng giá 18.4.
SSI: Thanh khoản của cổ phiếu SSI kể từ phiên xác nhận thoát khỏi xu hướng giảm ngày 12/02/2025 cũng luôn duy trì ở mức cao (trung bình trên 12 triệu cổ phiếu). Hiện tại cổ phiếu đang kiểm định quanh vùng kháng cự 26.x. Nếu vượt cản thành công, cổ phiếu có xu hướng duy trì đà tăng trưởng về vùng giá quanh 29.2.
B. BÁO CÁO PHÂN TÍCH - TÁC ĐỘNG CỦA KRX LÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
I. Tiêu Điểm Ngành - Nỗ Lực Nâng Hạng Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam
Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong những năm gần đây nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như MSCI và FTSE Russell từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market). Mục tiêu này được xác định trong Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", cùng dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”.
Đặc biệt, FTSE Russell vừa thông báo về việc đánh giá phân loại thị trường quốc gia sẽ được công bố kết quả vào đầu tháng 4/2025. Trong thông báo kỳ này, Việt Nam cùng Hy Lạp là 2 thị trường được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi để xem xét nâng hạng.
Đội ngũ phân tích nhận thấy kể từ năm 2020 đến nay, cơ quan quản lý đã nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, sửa đổi các quy định, quy trình nhằm phát triển TTCK hướng đến các quy chuẩn, thông lệ quốc tế, bao gồm:
(1) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Việt Nam đã ban hành Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường. Những bộ luật này tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư và tăng tính minh bạch cho TTCK.
(2) Giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding)
Để khắc phục yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, Việt Nam đang hướng tới áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Tuy nhiên, việc triển khai CCP cần thời gian do phải điều chỉnh nhiều quy định liên quan. Trước mắt, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra giải pháp cho phép các công ty chứng khoán hỗ trợ thanh toán đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Non-Prefunding Solution - NPS).
(3) Xử lý giới hạn sở hữu nước ngoài
Việt Nam đang xem xét áp dụng Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà không vi phạm các quy định về hạn chế sở hữu. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ định danh mà chưa có khung pháp lý cho NVDR.
(4) Công bố thông tin bằng tiếng Anh
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, đặc biệt là nhóm VN30, đã chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh, giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin.
(5) Triển khai hệ thống công nghệ mới KRX
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam, được Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2012. Việt Nam đang tiến hành kiểm thử hệ thống KRX, dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 5/2025, nhằm nâng cao hạ tầng công nghệ cho TTCK. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay về T+1 (từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn) và giải quyết các vấn đề cần thiết để giúp TTCK Việt Nam nâng cấp lên thị trường mới nổi.
→ Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng hạng TTCK, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế.
II. Tác Động Của Việc Đưa Vào Vận Hành KRX Đến Ngành Chứng Khoán
Việc vận hành hệ thống KRX và sử dụng hết các tính năng sẽ đem đến những thay đổi lớn cho TTCK Việt Nam nói chung và ngành chứng khoán Việt Nam nói riêng, bao gồm:
(1) Tăng hiệu suất giao dịch
Hệ thống KRX giúp rút ngắn thời gian xử lý lệnh, giảm nghẽn lệnh, hỗ trợ giao dịch T+0 hoặc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+1 trong tương lai.
Hệ thống có thể xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh mỗi ngày, giúp giảm tình trạng quá tải khi số lượng nhà đầu tư tăng lên, rút ngắn thời gian giao dịch và thanh toán trên các sàn, cải thiện tính thanh khoản và đẩy nhanh vòng quay vốn của các nhà đầu tư trên thị trường. Khối lượng giao dịch do đó sẽ tăng lên đáng kể, giúp tăng doanh thu từ phí giao dịch của các công ty chứng khoán.
Tại các thị trường áp dụng giao dịch T+1, cho phép bán chứng khoán chờ về như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, giá trị giao dịch bình quân một phiên của các thị trường này trong 5 năm qua đạt xấp xỉ 0.3% tổng vốn hoá thị trường. Con số này thậm chí còn cao hơn với các nước thuộc khu vực châu Á và thị trường mới nổi, đạt 0.42% (với đặc điểm giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn) trong khi giao dịch bình quân trên vốn hoá của Việt Nam mới chỉ là 0.23%.
→ Đội ngũ phân tích kỳ vọng khi hệ thống KRX đi vào hoạt động ổn định có thể giúp giá trị giao dịch trung bình 1 phiên của VNIndex tiến dần về mức 0.3% - 0.4% vốn hóa thị trường, tương đương tăng 30% - 70% so với thanh khoản trung bình 5 năm gần đây.
(2) Mở rộng các sản phẩm tài chính mới
Hệ thống KRX hỗ trợ giao dịch sản phẩm phái sinh mới như Hợp đồng quyền chọn - quyền chọn mua và quyền chọn bán, giúp tăng thêm một sản phẩm mới tiệm cận với các thị trường lớn trên thế giới và cũng tăng doanh thu từ các sản phẩm này. KRX cũng hỗ trợ Giao dịch trong ngày - giao dịch T+0 (cho phép các nhà đầu tư bán cổ phiếu vừa mua trong ngày) và Bán khống (cho phép nhà đầu tư vay mượn cổ phiếu và bán khống để hưởng lợi khi cổ phiếu có định giá cao hoặc bảo vệ danh mục của mình).
Thêm vào đó, một đóng góp nổi bật khác của KRX là nâng cao khả năng phát triển các quỹ ETF, chứng khoán lưu ký không có quyền biểu quyết, giúp nhà đầu tư ngoại dễ tiếp cận thị trường hơn.
(3) Mở ra cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi
TTCK Việt Nam hiện còn 2/9 điều kiện để được nâng hạng, bao gồm: (i) Chuyển giao đối ứng thanh toán chấm mức “hạn chế” do hiện tại, nhà đầu tư cần có tiền khi đặt lệnh giao dịch thay vì chỉ cần có tiền khi thực hiện giao dịch; (ii) Tiêu chí chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm do nhà đầu tư hiện cần có đủ 100% tiền mặt khi đặt lệnh giao dịch nên không xảy ra giao dịch thất bại.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng việc triển khai hoạt động hệ thống KRX sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, hệ thống KRX nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vận hành các tác vụ cơ bản để đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
(4) Khai thác tối đa tiềm năng lĩnh vực dịch vụ tài chính
Hiện nay, lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Vốn hóa thị trường của Việt Nam tính theo quy mô GDP hiện chỉ đạt khoảng 60% tính đến hết năm 2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 120% vào cuối năm 2025, đồng thời cũng thấp hơn so với TTCK trong khu vực là Thái Lan (103%) và Malaysia (84%). Mặc khác, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam khoảng 7%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan (đã loại bỏ các nhà đầu tư không hoạt động) và mức 12,5% tại Malaysia.
Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới.
→ Những tác động tích cực về hệ thống giao dịch cũng như tăng cơ hội nâng hạng của TTCK Việt Nam nhờ sử dụng hệ thống KRX sẽ góp phần giúp TTCK Việt Nam đạt được mục tiêu vốn hóa 120% GDP của Chính phủ.
(5) Thu hút dòng tiền lớn hơn
Hệ thống KRX hỗ trợ giao dịch lô lẻ và cho phép giao dịch ký quỹ tốt hơn, qua đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào TTCK.
Mặc khác, như đã phân tích ở trên, việc triển khai hệ thống KRX sẽ đem lại những sản phẩm giao dịch mới cùng với cơ hội được nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi. Nhờ đó, TTCK Việt Nam có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kênh đầu tư/huy động vốn của doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc nhiều vào tín dụng và trái phiếu như thời gian trước đó.
Hiệu quả kinh doanh
Hiệu quả hoạt động toàn ngành chứng khoán vẫn duy trì ở mức ổn định với ROE lũy kế 4 quý gần nhất đạt mức 10.4% và ROE ở mức 4.6%. Trong 3 năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán vẫn luôn ở mức cao do các công ty mở rộng quy mô và giảm chi phí vốn, do đó, làm tăng hiệu quả sử dụng tài sản.
Tính đến hết Q3/2024, tổng tài sản của các công ty chứng khoán TOP đầu thị trường đạt trên 505 nghìn tỷ đồng (+24.5% YoY). Trong đó, cho vay margin vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tổng tài sản ngành (44%).
Lợi nhuận gộp mảng môi giới đạt 2,217 đồng (+13.4% YoY); mảng đầu tư đạt 14,569 tỷ đồng (+60.3% YoY); mảng cho vay margin đạt 13,516 tỷ đồng (+43% YoY).
Tổng lợi nhuận hoạt động của nhóm các công ty chứng khoán có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất đạt 32,592 tỷ đồng (+25.5% YoY); LNST đạt 17,791 tỷ đồng (+40.6% YoY) → Lợi nhuận toàn ngành phục hồi mạnh mẽ trong Q3/2024 nhờ đà hồi phục của thị trường sau mức nền thấp của năm 2023.
Tỷ lệ TTS/VCSH giảm do nguồn vốn tăng thêm từ lợi nhuận giữ lại bên cạnh hoạt động tăng vốn của các công ty.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, một số công ty như ORS, SHS và VND sẽ tiếp tục tiến hành thực hiện các hoạt động tăng vốn của mình thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, ESOP,...
Đa phần các công ty chứng khoán trên thị trường đều sử dụng đòn bẩy cao, với tỷ lệ vay nợ/VCSH dao động trong khoảng 1 - 2 lần.
→ Thực hiện kế hoạch tăng vốn sẽ góp phần giúp các công ty đảm bảo an toàn cho hoạt động tài chính kinh doanh của mình.
Triển vọng tăng trưởng
Đội ngũ phân tích kỳ vọng thị trường có diễn biến tích cực về giá và thanh khoản trong 2025 dựa trên các yếu tố sau:
(1) Định giá thị trường vẫn đang ở ngưỡng hấp dẫn.
Tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến đạt 16.7% trong năm 2025 với động lực dẫn dắt từ nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn. P/E forward 2025 dự kiến đạt 12.2x, thấp hơn 26.9% so với trung bình P/E 10 năm của VNindex là 16.7x. Trong khi đó, chỉ số P/B của VNindex tính đến cuối năm 2024 đạt 1.66x, thấp hơn 23% so với trung bình P/B 10 năm là 2.15x.
(2) Thanh khoản thị trường sẽ duy trì ở mức cao trong 2025 nhờ nền lãi suất thấp và kỳ vọng dòng tiền khối ngoại quay trở lại, đặc biệt khi KRX đi vào vận hành.
Đội ngũ phân tích cho rằng Việt Nam sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp theo xu hướng cắt giảm lãi suất toàn cầu cùng áp lực tỷ giá kỳ vọng không quá căng thẳng, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, khi hệ thống KRX go-live, một lượng vốn lớn, đặc biệt là từ khối ngoại, sẽ chảy vào thị trường chứng khoán do những tác động tích cực mà hệ thống này mang lại.
(3) Kỳ vọng thị trường Việt Nam được quyết định nâng hạng vào tháng 9/2025 đem lại tác động tích cực đến dòng vốn ngoại.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong kì tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam. Sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36,000 tỷ đồng vốn ngoại từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE (~1.5% tổng quy mô tài sản các quỹ ETF này) và khoảng 100,000 tỷ đồng vốn từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE (~1% tổng quy mô tài sản các quỹ này).
IV. Xu Hướng Đầu Tư
Đội ngũ phân tích nhận định rằng, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ngành, đặc biệt là hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành ngày 05/05/2025 tới đây, các công ty có P/E thấp hơn trung bình ngành, kết hợp cùng hệ thống công nghệ mạnh, thị phần môi giới lớn và cung cấp dịch vụ phái sinh sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
(1) Nhóm công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới: Khi KRX đi vào vận hành, khối lượng giao dịch sẽ tăng mạnh do giảm tình trạng nghẽn lệnh và tăng tốc độ khớp lệnh, dẫn đến tăng thanh khoản thị trường và tăng doanh thu từ phí giao dịch cho các công ty chứng khoán. Đặc biệt, các công ty chứng khoán lớn có phí giao dịch thấp sẽ có lợi thế trong việc thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, mô hình giao dịch T+0 giúp nhà đầu tư có thể mua bán trong ngày, số lượng giao dịch sẽ tăng vọt, góp phần tạo thêm doanh thu cho các công ty có thị phần lớn.
(2) Nhóm công ty chứng khoán mạnh về cho vay ký quỹ (margin): Nếu giao dịch T+0 hoặc rút ngắn thời gian thanh toán được áp dụng, nhà đầu tư sẽ có nhu cầu sử dụng margin nhiều hơn để tận dụng lợi thế vốn. Lãi suất cho vay margin là nguồn thu quan trọng, do đó, các công ty có vốn lớn có thể tận dụng dòng tiền rẻ để tăng trưởng dịch vụ margin, từ đó gia tăng lợi nhuận.
(3) Nhóm công ty chứng khoán có thế mạnh về phái sinh: KRX có thể giúp triển khai các sản phẩm mới như quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu riêng lẻ. Các công ty đã có nền tảng về phái sinh sẽ tận dụng được lợi thế này. Ngoài ra, các quỹ đầu tư lớn, quỹ ETF có thể sử dụng các công cụ phái sinh để quản lý rủi ro tốt hơn, thúc đẩy giao dịch trên thị trường này, góp phần giúp các công ty thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức.
(4) Nhóm công ty chứng khoán có năng lực công nghệ mạnh: Khi hệ thống KRX go-live, các nền tảng giao dịch online ổn định và hiệu quả sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Những công ty có ứng dụng giao dịch tốt sẽ giành lợi thế. Thêm vào đó, với hệ thống mới, tốc độ xử lý nhanh hơn sẽ khuyến khích các tổ chức triển khai chiến lược giao dịch thuật toán (Algo Trading), tạo cơ hội tăng doanh thu cho công ty có hệ thống công nghệ tốt.
→ Những công ty chứng khoán sau sẽ có tiềm năng hưởng lợi nhiều nhất khi KRX đi vào vận hành:
SSI (P/E 18.55) - Dẫn đầu về vốn hóa, mạnh về margin và khối ngoại.
VND (P/E 13.47) - Có hệ sinh thái tốt, phát triển công nghệ mạnh.
HCM (P/E 21.99) - Mạnh về phái sinh, có hệ thống giao dịch tốt.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
KHỐI ĐẦU TƯ FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Nguyễn Minh Hạnh – Chuyên viên Nghiên cứu và Phân tích
* Liên hệ: 0934 650 459 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 5654
* Group Zalo Tư Vấn Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: FinTop DATA | Dữ Liệu Chứng Khoán
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!