Tuần đầu tiên của tháng 2 khởi động với nhiều thông tin vĩ mô đáng chú ý cả ở trong nước lẫn quốc tế. Cùng đội ngũ phân tích điểm qua những diễn biến có tác động đáng kể tới thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng qua bài viết dưới đây.
1. Căng thẳng thương mại leo thang khi Tổng thống Trump áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu
Vào ngày 10/02, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 04/03/2025. Mức thuế này sẽ bổ sung cho thuế quan kim loại hiện có, đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc “đại cải tổ” chính sách thương mại Mỹ của ông Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.
Theo dữ liệu từ Viện Sắt thép Mỹ (AISI), các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ gồm Canada, Brazil và Mexico, tiếp đến là Hàn Quốc và Việt Nam. Cụ thể, đến hết tháng 11 năm 2024, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,64 triệu tấn, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ trọng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2024 chiếm khoảng 15-20% tổng lượng xuất khẩu sắt thép của cả nước.
ĐÁNH GIÁ: Động thái mới nhất của ông Trump có thể gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu lớn vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra dự báo sẽ có chiến tranh thương mại năm 2025. Đây sẽ là một sự kiện cần phải theo sát xuyên suốt trong năm nay để tránh những rủi ro không đáng có khi đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Về tác động của thuế quan lên các doanh nghiệp thép trong nước, ước tính trong năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ trên tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp thép là tương đối lớn. Trong đó, tỷ trọng lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp như Tôn Đông Á (GDA), Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Hoa Sen (HSG), với giá trị đạt lần lượt là 35%, 25% và 15%. Ông lớn ngành thép là Hòa Phát (HPG) có tỷ trọng xuất khẩu thép sang Mỹ là không đáng kể (dưới 5%), vì vậy theo đánh giá của đội ngũ phân tích, tác động thực tế từ lệnh áp thuế của tổng thống Trump lên thép Việt Nam sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại.
2. Kinh tế Việt Nam chủ động phương án ứng phó để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mới 8% trong năm 2025
Tuần qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%, trong kế hoạch năm 2025. Đây là nội dung dự kiến sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường sẽ diễn ra từ 12-18/2 tới đây.
Theo báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp, 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có sự quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt từ toàn bộ các cấp ban ngành và đặc biệt là sự nỗ lực đồng bộ từ cả khối kinh tế tư nhân với mức tăng trưởng ước tính khoảng 11%/năm.
ĐÁNH GIÁ: Với mức tăng trưởng GDP đạt 8%, cao hơn so với ban đầu là 6.5 – 7%, đội ngũ phân tích dự báo sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính phủ trong việc đưa ra các biện pháp để kích thích kinh tế, trong đó bao gồm khơi thông dòng vốn bất động sản, tăng đầu tư công và tập trung tăng trưởng tín dụng. Đây là môi trường cực kỳ thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi rất lớn từ định hướng chính sách mới kể trên.
3. Số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 1/2025 suy giảm, thấp nhất kể từ tháng 12/2023
Theo dữ liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tại ngày 31/1, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 9,31 triệu đơn vị (xấp xỉ 9,3% dân số). Con số này cao hơn 80.516 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 12/2024. Mức tăng số lượng tài khoản trong tháng đầu năm 2025 kém hơn 43% so với tháng 12 liền trước và là thấp nhất trong 13 tháng (kể từ tháng 12/2023).
Tính đến cuối tháng 1, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,3 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Số lượng tài khoản mở mới giảm trong bối cảnh thanh khoản èo uột trong tháng 1/2025, đây là thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày dẫn đến nhà đầu tư dè dặt đổ tiền vào chứng khoán. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 12.836 nghìn tỷ đồng trong tháng 1/2025. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 10.719 tỷ đồng, giảm 20,7% so với mức bình quân tháng 12 và -42,4% so với mức bình quân 1 năm.
ĐÁNH GIÁ: Mặc dù lý do có thể tới từ Tết nguyên đán, sự suy giảm trong số lượng tài khoản mở mới cũng đến từ bối cảnh thị trường biến động đi ngang ảm đạm và khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của đội ngũ phân tích, bối cảnh hiện tại vẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, khi mặt bằng định giá của thị trường và nhiều nhóm cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn, cơ hội không dành cho số đông và có thể mang lại hiệu suất đầu tư tốt cho cả năm 2025.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Trần Khánh Linh - Trưởng phòng Kinh doanh chứng khoán
* Liên hệ: 0971 764 531 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 8043
* Group Zalo Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: Kỷ Nguyên Đầu Tư | FinTop DATA
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!