Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2025 tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ xu hướng số hóa, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự mở rộng của thương mại điện tử. Một trong những đặc điểm nổi bật là sự kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và trực tiếp (omnichannel). Đặc biệt, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ các chính sách hỗ trợ từ chính phủ kết hợp với đặc thù cơ cấu dân số trẻ, thông thạo công nghệ cùng sự gia tăng tầng lớp trung lưu khi thu nhập gia tăng.
A. QUAN ĐIỂM TÁC GIẢ
Động lực tăng trưởng ngành năm 2025
(1) Tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người;
(2) Bán lẻ thực phẩm phát triển mạnh mẽ nhờ sự thay đổi hành vi tiêu dùng;
(3) Bán lẻ dược phẩm mở ra cơ hội phát triển bền vững;
(4) Sự bùng nổ của bán lẻ qua kênh thương mại điện tử.
Triển vọng đầu tư
Năm 2025, ngành bán lẻ Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nên cân nhắc kết hợp bối cảnh thực tế của thị trường cùng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định.
Một số doanh nghiệp cùng những câu chuyện riêng đáng chú ý gồm MWG, dẫn đầu thị phần ICT và điện tử tiêu dùng, dự báo lợi nhuận tăng 28%; DGW, nhà phân phối công nghệ lớn, doanh thu kỳ vọng tăng 15%; và FRT, đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất lịch sử nhờ FPT Shop và Long Châu.
Cổ phiếu nổi bật
MWG
Cổ phiếu MWG chính thức thoát khỏi pha giảm ngắn hạn vào phiên ngày 17/02/25. Sau đó, cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ cùng những phiên có thanh khoản tương đối cao, duy trì ở ngưỡng cao hơn trung bình 20 phiên gần nhất. Nổi bật nhất là phiên ngày 06/03, khi MWG đạt mức thanh khoản cao kỷ lục với hơn 13.4 triệu cổ phiếu giao dịch trong phiên, xác nhận xu hướng tăng trưởng của cổ phiếu. Hiện tại, MWG có xu hướng đi ngang tích lũy quanh vùng giá 62, trước khi tiếp tục tiến về vùng kháng cự tiếp theo quanh mức giá 66.x.
DGW
Với diễn biến tương tự như MWG, cổ phiếu DGW cũng xác nhận đảo chiều tăng điểm vào phiên giao dịch ngày 19/02/25. Với khối lượng giao dịch bùng nổ (hơn 3.5 triệu cổ phiếu), phiên ngày 06/03 một lần nữa xác nhận xu hướng tiếp diễn tăng trưởng của DGW. Trong những phiên giao dịch sắp tới, DGW có xu hướng đi ngang tích lũy, trước khi tiến về vùng giá 43.8, cũng là ngưỡng kháng cự gần nhất của cổ phiếu này.
B. BÁO CÁO PHÂN TÍCH CHI TIẾT
1. Tổng Quan Ngành Bán Lẻ Việt Nam
Vai trò của ngành bán lẻ trong nền kinh tế
Bán lẻ đã và đang là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam với quy mô thị trường khoảng ~265 tỷ USD năm 2024. Bước sang năm 2025, ngành bán lẻ kỳ vọng đạt 300 tỷ USD - đóng góp 60% GDP cả nước.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam gồm 4 mảng: Bán lẻ hàng hóa; Dịch vụ lưu trú, ăn uống; Du lịch lữ hành và Dịch vụ khác. Trong đó, nhóm “Bán lẻ hàng hóa” luôn đóng góp doanh thu cao nhất toàn ngành bán lẻ.
Năm 2024, đà tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn được duy trì ở mức ổn định so với năm 2023 (+9% YoY), dù nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động dẫn đến xu hướng ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, nhóm “Bán lẻ hàng hóa” vẫn duy trì tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua. Doanh thu mảng “Bán lẻ hàng hóa” vẫn duy trì tăng trưởng ở mức trên 8% YoY trong năm 2024. → Chứng minh mức độ bền vững của ngành bán lẻ Việt Nam.
Đội ngũ phân tích dự phóng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 đạt 7,074 nghìn tỷ đồng (+10.7% YoY). Kết quả này đến từ nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, khi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ hậu Covid-19. Nhu cầu tiêu dùng cũng đang có các dấu hiệu hồi phục rõ rệt, thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa (nhóm đóng góp 77% vào ngành bán lẻ Việt Nam), kỳ vọng đạt 5,388 nghìn tỷ đồng năm 2025 (+9.5% YoY).
Xu hướng phát triển ngành trong tương lai
Tỷ trọng doanh thu từ các kênh bán lẻ cửa hàng tạp hóa vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất nhưng có xu hướng thu hẹp dần do sự mở rộng mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, dẫn đến thay đổi thói quen người tiêu dùng.
Nhiều thương hiệu gia tăng sự hiện diện ở nhiều kênh bán hàng, tận dụng tiềm năng của các nền tảng bán hàng trực tuyến, giúp trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng được liền mạch và tiện lợi hơn. Các kênh bán hàng hiện đại cũng đang dịch chuyển sang người tiêu dùng khu vực nông thôn.
Hạ tầng Internet phát triển, các nền tảng bán lẻ thương mại điện tử ngày càng quen thuộc đối với người dân Việt Nam, thúc đẩy tỷ trọng đóng góp từ kênh online ở cả khu vực Thành thị và Nông thôn, mở ra cơ hội cho các thương hiệu từ nhỏ đến lớn thu hút và đa dạng hóa tệp khách hàng trung thành.
2. Triển Vọng Tăng Trưởng Ngành Bán Lẻ
Tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người thúc đẩy hoạt động bán lẻ
Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7.09%, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2025, Quốc hội thông qua các mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên, tương ứng với quy mô GDP đạt trên 500 tỷ USD, đồng thời triển khai đẩy mạnh các chính sách giúp cải thiện mức thu nhập và gia tăng tỷ lệ đô thị hóa. Qua đó, đời sống, an sinh của người dân được cải thiện, thúc đẩy sức mua tiêu dùng, ổn định xã hội và tạo cơ hội để người dân phát triển cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng.
Năm 2024, tăng trưởng GDP tích cực cùng tăng trưởng doanh thu bán lẻ đạt 8.3% YoY. Thu nhập bình quân đầu người cũng liên tục cải thiện, đạt 4.650 USD trong năm 2024 (+8.3% YoY) và hướng tới mục tiêu của Chính phủ năm 2025 đạt ngưỡng 5.000 USD. Đội ngũ phân tích kỳ vọng tăng trưởng bán lẻ năm 2025 sẽ đạt 9 - 10% YoY.
Điểm mấu chốt là Chính phủ đang không ngừng thực hiện triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP dài hạn, bao gồm:
(1) Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng;
(2) Gia hạn chính sách thuế VAT 8%;
(3) Tăng lương tối thiểu vùng mỗi năm;
(4) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%;
(5) Chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và đầu tư công.
→ Đây sẽ là các yếu tố then chốt giúp ngành bán lẻ và nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững ở những năm tới.
Hành vi tiêu dùng thay đổi thúc đẩy phân khúc bán lẻ thực phẩm
Chuỗi phân phối thực phẩm hiện đại cạnh tranh mạnh mẽ với chợ truyền thống khi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm trong bối cảnh quy mô ngành thực phẩm đang tăng trưởng tốt. Doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đạt 720 nghìn tỷ đồng vào năm 2024 (+10,92% svck). Bên cạnh đó, mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) được dự kiến đạt 10,26% từ năm 2024 đến năm 2029, đưa tổng doanh thu của ngành lên khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2029.
Người tiêu dùng hiện nay đang tới chợ ít hơn do người tiêu dùng trẻ ưa chuộng nơi mua bán hiện đại, thuận tiện, sạch sẽ và giá cả được niêm yết rõ ràng. Một nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập cải thiện thúc đẩy tiêu dùng chất lượng. Ngoài ra, mối lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy người tiêu dùng đến với các chuỗi siêu thị. Trong khi các sản phẩm từ chợ không chứng minh được nguôn gốc xuất xứ thì hầu hết các sản phẩm tươi ở siêu thị đều có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Các chuỗi cửa hàng thực phẩm hiện đại như Bách Hóa Xanh, WinCommerce đang tích cực mở rộng với tham vọng thay thế các cửa hàng nhỏ lẻ và chợ truyền thống. Tốc độ mở cửa hàng nhanh nhưng kinh doanh có lãi là minh chứng cho việc bán lẻ thực phẩm có hệ thống đang là xu thế của thị trường.
→ Đội ngũ phân tích nhận định rằng sự phát triển theo mô hình chuỗi cửa hàng thực phẩm này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2025.
Bán lẻ dược phẩm mở ra cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp
Ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 6% - 8% trong giai đoạn 2023 - 2028 trong bối cảnh ngành bán lẻ dược phẩm có nhiều yếu tố thuận lợi. Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Với 60% giá trị ngành dược được phân phối qua kênh nhà thuốc, đội ngũ phân tích cho rằng mảng phân phối dược phẩm năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố sau:
(1) Tăng trưởng kinh tế và thu nhập cải thiện: Thu nhập cải thiện sẽ thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe và tăng nhu cầu mua sắm sản phẩm dược phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe. Thực trạng Việt Nam hiện nay với cơ cấu dân số già hóa khiến nhu cầu dược phẩm tăng cao.
(2) Luật Dược mới tạo hành lang pháp lý cho các chuỗi dược phẩm phát triển: Luật Dược sửa đổi đã có các quy định về quyền và trách nhiệm của các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc, được phép luân chuyển thuốc và người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc thuộc chuỗi. Do đó, các chuỗi nhà thuốc sẽ ngày càng lớn mạnh nhờ lợi thế lớn so với các nhà thuốc nhỏ lẻ dựa trên những lý do sau: (i) Mối quan hệ với các hãng thuốc lớn sẽ khiến các chuỗi có nhiều loại thuốc hơn và có khả năng thương lượng được giá tốt hơn với các nhà sản xuất thuốc; (ii) Việc tận dụng thương mại điện tử, bán hàng online và giao hàng tận nơi sẽ gia tăng sự tiện ích, khách hàng không cần đến tận hiệu thuốc để mua thuốc mà có thể đặt hàng ngay tại nhà; (iii) Tận dụng việc tư vấn chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp cho khách hàng khi mua thuốc để tạo sự khác biệt.
Đội ngũ phân tích đánh giá rằng với các xu hướng như đã phân tích ở trên, FPT Long Châu với lợi thế và tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục mở mới nhiều cửa hàng và đẩy mạnh thị trường kinh doanh thuốc online trong năm 2025, trong khi chuỗi An Khang của MWG vẫn sẽ tiếp tục quá trình thu gọn mô hình vận hành với mục tiêu hàng đầu tối ưu chi phí và doanh thu/cửa hàng.
Triển vọng bán lẻ qua kênh thương mại điện tử
Doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) có vai trò quan trọng đối với ngành bán lẻ Việt Nam, giúp thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng. Doanh thu bán lẻ TMĐT B2C ở Việt Nam năm 2024 đạt 25.1 tỷ USD (+22% YoY), chiếm 9% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước. Bộ Công thương đặt mục tiêu doanh thu TMĐT B2C đạt 30 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng 10% doanh thu bán lẻ và dịch vụ. Bên cạnh các nền tảng TMĐT phổ biến (Shopee, Lazada, Tiktok Shop), các doanh nghiệp bán lẻ tiêu biểu như MWG, FPT Retail liên tục đầu tư kênh bán hàng online qua website và app. Chuỗi AvaKids của MWG định hướng không mở rộng quá nhiều cửa hàng vật lý và chỉ tập trung chiến lược đẩy mạnh bán hàng online trong các năm tới.
Trên thực tế, kể từ đại dịch COVID-19, người dân Việt Nam đã hình thành nhiều thói quen mới như làm việc, học tập tại nhà, đặt đồ ăn online, mua sắm trực tuyến,... Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất thế giới, với dân số trẻ, am hiểu công nghệ và ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Chính phủ cũng khuyến khích sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, giúp các ví điện tử, sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam hưởng lợi mạnh mẽ từ sự thay đổi thói quen mua sắm, thanh toán và lượng người dùng gia tăng trong những năm qua.
→ Đội ngũ phân tích đánh giá đây sẽ là mảnh đất màu mỡ với nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, chuyển hướng phát triển mạnh mẽ kênh bán lẻ TMĐT.
3. Doanh Nghiệp Nổi Bật và Xu Hướng Đầu Tư
Năm 2024, doanh thu lẫn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện rõ rệt, thậm chí có phần vượt trội so với các năm trước. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, thu nhập người dân cải thiện, duy trì thuế VAT ở mức 8%, là những điểm tích cực giúp cải thiện sức mua chung của người tiêu dùng.
Tổng hợp kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp tiêu biểu
Đội ngũ phân tích đánh giá, bước sang năm 2025, nhiều doanh nghiệp bán lẻ sẽ duy trì kết quả kinh doanh tích cực, tiếp nối đà doanh thu lẫn lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số. Các mảng kinh doanh mới đang trở thành điểm sáng, mang lại hiệu quả cao và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ trong những năm tới.
Về định giá trong 2H2024, nhiều doanh nghiệp đã có nhịp điều chỉnh giá về quanh mức P/S trung bình 5 năm phản ánh những kỳ vọng về đà phục hồi cho năm 2024 đã đi qua. Đội ngũ phân tích cho rằng bước sang năm 2025, thị trường sẽ tập trung kỳ vọng nhiều hơn vào câu chuyện tăng trưởng riêng của từng doanh nghiệp cùng với sự phục hồi về sức mua của người tiêu dùng.
Một số doanh nghiệp nổi bật đang có mức định giá hấp dẫn so với câu chuyện tăng trưởng dài hạn
1. Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG): MWG là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, sở hữu hơn 3.000 cửa hàng và chiếm lĩnh 60% thị phần ICT cùng 50% thị phần điện tử tiêu dùng. Với nhu cầu tiêu thụ công nghệ đang dần phục hồi, MWG có lợi thế lớn nhờ mạng lưới cửa hàng rộng khắp và chiến lược tăng giá bán hợp lý. Lợi nhuận ròng của MWG được dự báo tăng 28% năm 2025, giữ vững vị thế hàng đầu trong ngành bán lẻ công nghệ và điện tử tiêu dùng.
2. Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ): PNJ là thương hiệu trang sức lớn nhất Việt Nam với 405 cửa hàng trải khắp 58 tỉnh thành. Công ty dự kiến mở thêm 5% - 6% cửa hàng mỗi năm, nâng tổng số cửa hàng lên 420 vào năm 2025 và 467 vào năm 2026, tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nhu cầu trang sức tại Việt Nam được kỳ vọng tăng 5% năm 2025, kết hợp với giá bán sản phẩm tăng 2%, giúp doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận ròng của PNJ dự kiến đạt 2.505 tỷ đồng năm 2025 (+16% svck).
3. Công ty CP Thế Giới Số (DGW): DGW là nhà phân phối công nghệ hàng đầu Việt Nam với hơn 6.000 khách hàng bán lẻ. Các ngành hàng thiết bị văn phòng và điện tử gia dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính của công ty trong năm nay, với doanh thu dự kiến tăng lần lượt 25% và 35% so với năm trước. Năm 2025 dự kiến doanh thu thuần đạt 24.774 tỷ đồng (+15% svck), lợi nhuận ròng dự kiến đạt 523 tỷ đồng (+18% svck).
4. Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT): FRT đặt mục tiêu doanh thu 51.519 tỷ đồng (+20% svck), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 900 tỷ đồng (+71% svck). Động lực tăng trưởng chính đến từ sự phục hồi lợi nhuận của FPT Shop nhờ chu kỳ thay mới điện thoại và sự cải thiện lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc Long Châu nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng.
→ Nhà đầu tư có thể mua vào với những cổ phiếu đang có mức P/S quanh vùng trung bình 5 năm như PNJ (thấp hơn P/S trung bình 5 năm 9.9%) hay MWG (cao hơn P/S trung bình 5 năm 14.8%). Còn đối với FRT, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào ở những vùng giá hấp dẫn hơn trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA FINTOP - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS
* Tác giả: Nguyễn Minh Hạnh – Chuyên viên Nghiên cứu và Phân tích
* Liên hệ: 0934 650 459 (SĐT/Zalo) - VPS ID: 5654
* Group Zalo Tư Vấn Đầu Tư: Cộng Đồng FinTop
* Kênh Youtube: FinTop DATA | Dữ Liệu Chứng Khoán
TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM!
Toàn bộ những thông tin, phân tích, nhận định, dự báo trong báo cáo, nội dung này bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện là quan điểm, góc nhìn phân tích riêng của Tác giả, không nhằm mục đích PR, làm lợi hay gây bất lợi cho bất cứ cá nhân/tổ chức nào và quan điểm, phân tích của Tác giả không đại diện cho quan điểm, ý kiến của FINTOP.
Các thông tin, số liệu, dữ liệu, thống kê,… được trình bày trên báo cáo, nội dung này, bao gồm toàn bộ thông tin và ý kiến đã thể hiện, được FINTOP Research lấy từ các nguồn thông tin chính thống, uy tín được cho là đáng tin cậy nhất (theo trích dẫn nguồn trên báo cáo), tuy nhiên FINTOP Research không đảm bảo sự chính xác và đầy đủ hoàn toàn, tính cập nhật của toàn bộ thông tin, dữ liệu trong báo cáo, nội dung trên.
Người đọc, nhà đầu tư sử dụng báo cáo, nội dung, dữ liệu, thông tin này với mục đích tham khảo và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những hành động, quyết định và kết quả đầu tư của mình.
Trân trọng cảm ơn!